Giờ mà vứt đi và mua mới thì kể cũng tốn kém, vì thế, tôi quyết định sẽ “độ” lại cặp đèn sưởi nhà tắm này để sử dụng tiếp.
Chào các bạn. Tôi vì ham rẻ nên mua 1 đôi đèn sưởi nhà tắm với giá 250K/chiếc và cảm thấy thật sự chán nản với chất lượng hoàn thiện của chúng. Không chỉ vậy, trong quá trình sử dụng còn xảy ra tình huống mất an toàn khiến cho tôi suýt ôm hận. Giờ mà vứt đi và mua đèn mới thì kể cũng tốn kém. Vì thế, tôi quyết định phải độ lại cặp đèn này để sử dụng tiếp.
Cảnh báo: Những gì tôi thực hiện dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và khuyến cáo các bạn không làm theo. Tôi không chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra khi độc giả cố gắng bắt chước!
Áp dụng kiến thức vật lý lớp 9 đi tìm nguyên nhân: Khi so sánh đèn sưởi 250K và 750K, chúng ta nhận thấy:
Dây dẫn điện của đèn sưởi 250K mỏng manh như sợi tóc, trong khi đèn sưởi 750K có dây dẫn dày dặn hơn và đều được bọc vỏ chống cháy, cách nhiệt.
Công suất tiêu thụ của đèn sưởi nhà tắm giá rẻ (250K) với đèn chính hãng Kangaroo (750K), chúng ta đã thấy có sự khác biệt đáng ngạc nhiên khi đèn giá rẻ cho ra nhiệt độ thấp hơn (257 độ C so với 275 độ C) nhưng công suất tiêu thụ lại lớn hơn (851,2 W so với 821,9 W), tức là ngốn điện nhiều hơn nhưng hiệu quả làm việc lại kém hơn. Lưu ý: Tôi sử dụng Ổ cắm đo công suất thiết bị điện HM-PMP01EU để đo công suất 2 đèn này, đây là loại thiét bị đo công suất tiêu thụ khá chính xác và thao tác thuận tiện để truy tìm những thiết bị nào gây tốn điện trong nhà. Để đo nhiệt độ thì tôi sử dụng 1 số thiết bị đo nhiệt độ phát ra của thiết bị hoặc bạn cũng có thể tham khảo các loại ổ cắm cảm biến nhiệt có đầu dò để đo nhiệt độ, thao tác khá đơn giản
Ở cấp 2 chúng ta đã được học: “điện trở của các dây dẫn có cùng chiều dài và được làm từ cùng một loại vật liệu tỉ lệ nghịch với tiết diện của mỗi dây.” (Sự phụ thuộc của điện trở vào tiết diện dây dẫn – vật lý lớp 9).
Tôi cho rằng có 2 nguyên nhân chính gây ra sự chênh lệch về công suất của đèn sưởi 250K và 750K như sau:
Bóng đèn sưởi rẻ tiền có hiệu suất thấp hơn;
Dây dẫn điện rẻ tiền gây hao hụt năng lượng nhiều hơn.
Lựa chọn phương án
Sau khi đã khoanh vùng được nguyên nhân, chúng ta thấy: để khắc phục tình trạng “ăn nhiều làm ít” thì cần thay cả bóng đèn tốt hơn và dây dẫn to hơn. Tuy nhiên, nếu thay cả 3 bóng đèn thì quá tốn kém, và chi phí chắc cũng ngang với mua đèn mới rồi. Vì thế, tôi đã chọn phương án thay toàn bộ dây dẫn thành loại có tiết diện 2×2.5 mm2.
Mua vật tư
Tôi có thói quen hay nhặt nhạnh đồ linh tinh nên dây điện cũ thì có rất nhiều. Do vậy, chỉ tốn tiền cho ống ghen sợi thủy tinh cách điện, cách nhiệt. Tôi ra chợ Giời ở phố Huế mua 6 cái ống ghen đường kính 3mm, chiều dài 3 m mỗi ống hết tổng cộng 20K.
Tiến hành
Sau khi đã tháo mặt nạ của đèn sưởi, tôi chụp lại hình ảnh đám dây nhợ để khi thay dây đỡ bị cắm nhầm. Đặt dây điện mới vào ướm cho bằng với chiều dài của những dây cũ rồi cắt và lồng ống ghen cách nhiệt.
Lần lượt thay dây, gắn lại vào đui đèn cho đến hết. Tôi thay cả dây điện nguồn gốc bằng dây nguồn máy tính để bàn cùng thông số 10A-250V.
Sau khi đã lắp lại như sơ đồ đấu nối ban đầu thì tôi cắm điện kiểm tra thử. Đèn sáng đủ cả 1, 2 và 3 bóng, ok luôn.
Tôi yên tâm lắp lại và sử dụng mấy hôm cho đến khi…
Sự cố bất ngờ
Sau vài ngày, tôi chợt phát hiện thấy bóng đèn bị lồi hẳn ra ngoài. Hiện tượng này xảy ra ở cả 2 chiếc đèn sưởi, và nguyên nhân là thanh nhựa dùng để cố định đui đèn vào vỏ đèn bị nóng chảy – còn toàn bộ những dây điện mới thay thì không bị sao cả.
Tôi mất mấy tiếng đồng hồ để tìm cách khắc phục bằng những đồ sẵn có trong nhà, và nghĩ ra phương án là tận dụng những mẩu ống ghen điện còn thừa. Tôi chọn ống ghen điện là vì nó có chiều dày phù hợp, ngang bằng với thanh nhựa chữ U bị chảy, và loại ghen này được quảng cáo là chống cháy.
Tôi còn cẩn thận dùng dây thít nhựa để buộc bên ngoài. Sau khi lắp xong thì nhìn lại y như cũ, từ bên ngoài không ai biết là bên trong đã được độ chế.
Tuy nhiên, chỉ sau đúng 1 lần tắm tôi lại thấy bóng đèn lồi ra. Hóa ra là ống ghen điện chống cháy nhưng không chịu được nhiệt độ cao và bị quăn lại. Thế là tôi phải vắt óc suy nghĩ để tìm cách chữa bằng những đồ có sẵn trong nhà.
Cuối cùng tôi chọn được một tấm ván gỗ lót sàn – cũng mất thời gian cắt, cưa, khoan lỗ… mất mấy tiếng đồng hồ mới xong 2 chiếc đèn.
Kết quả
Như vậy, tổng chi phí tiền mặt tôi phải bỏ ra cho việc độ chế 2 chiếc đèn sưởi nhà tắm này là 20K, còn công sức và thời gian thì không thể đo đếm được bằng tiền. Sau nửa tháng sử dụng hàng ngày, tới nay tôi chưa phát hiện ra thêm lỗi gì ở 2 chiếc đèn sưởi giá rẻ này nữa.
Dùng ổ cắm đo công suất để xác định lại thành quả:
Công suất của chúng cũng được cải thiện khi giảm xuống chỉ còn 261,7 W cho 1 bóng, và 813,6 W khi bật cả 3 bóng so với trước khi độ chế là 275 W và 851,2 W. Thực sự việc thay dây có giúp tiết kiệm được ngay lập tức mấy chục W hay không thì tôi không dám khẳng định, nhưng cái đồng hồ đo báo như vậy :D.
Về phần mình, điều tôi dám chắc đó là dây điện tiết diện lớn hơn sẽ an toàn hơn loại dây “stock” mỏng manh.
Kết luận
Vì tham rẻ mua đèn sưởi nhà tắm giá bèo nên tôi gặp rắc rối và phải tốn khá nhiều công sức để khắc phục mà cũng vẫn thấy nghi ngại khi sử dụng bởi bóng đèn rẻ tiền có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Nếu các bạn muốn nhàn thân và độ an toàn cao thì không nên vì ham hố mà mua đèn sưởi nhà tắm giá rẻ nói riêng cũng như các sản phẩm nhái khác nói chung.
Theo Tri thức trẻ